Nuôi dưỡng sự sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ
Trí tưởng tượng và óc sáng tạo là cánh cửa tiềm năng giúp trẻ kết nối với thế giới. Trong quá trình thỏa sức tưởng tượng, trẻ thể hiện bản thân bằng hành động, lời nói, tương tác, phản ứng và thử nghiệm những vai trò phong phú khác nhau. Vậy làm thế nào để trẻ sáng tạo, linh hoạt hơn? Cùng xem những giải pháp hữu ích có trong bài viết dưới đây nhé
Mọi phát minh mà chúng ta biết ơn ngày hôm nay, đều là thành tựu được đúc kết từ trí tưởng tượng của một ai đó. Hơn thế, nó chính là kết tinh tuyệt vời của cả một quá trình lao động sáng tạo. Như vậy, khi trẻ chơi và tiếp xúc với đồ chơi, bé sẽ hòa mình vào không gian mới với đầy ắp trí tưởng tượng của riêng mình. Chẳng hạn như, chiếc giường quen thuộc sẽ trở thành biển khơi mênh mông. Hay chiếc đệm ngồi sẽ trở thành con tàu dũng mãnh, pháo đài sẽ là những chú gấu bông hiếu chiến. Khi trí tưởng tượng được kích hoạt, trẻ sẽ hình dung được một thế giới không có bất kỳ rào cản vật lý nào. Điều này giúp các bé có thể nhìn mọi vấn đề và hướng giải quyết theo cách hoàn toàn mới. Nó cũng giúp trẻ thể hiện bản thân và thôi thúc chúng đặt ra câu hỏi về sự vận hành của mọi thứ xung quanh.
Vậy, làm thế nào để trẻ phát huy được trí tưởng tượng của mình? Việc tự làm những đồ chơi đơn giản đến các thí nghiệm khoa học thú vị chính là kho tàng kích thích trí tưởng tượng vô hạn của trẻ. Cùng tìm hiểu xem tầm quan trọng của óc sáng tạo và các biện pháp phát huy trí tưởng tượng cho bé dưới đây bố mẹ nhé!
Trí tưởng tượng và sự sáng tạo quan trọng như thế nào với trẻ?
Trí tưởng tượng và sự sáng tạo có vai trò vô cùng quan trọng trong những năm đầu đời của bé. Nó giúp trẻ phát triển cảm xúc và kỹ năng như: giao tiếp, vận động, tư duy phản biện, giải quyết tình huống, vấn đề…
Phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội
Einstein đã nói “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”. Trí tưởng tượng là cánh cửa dẫn đến các kĩ năng. Đó là nơi khởi đầu cho sự sáng tạo, sự khéo léo và tư duy bên ngoài của trẻ. Sự sáng tạo giúp trẻ hiểu hơn về khả năng của bản thân, bồi đắp sự tự tin và phát triển tư duy bằng cách cho phép trẻ suy ngẫm về các quyết định khác nhau. ừ đó thúc đẩy sự tự tin của trẻ, tăng khả năng tương tác với người khác, mở rộng các mối quan hệ xã hội.
Giúp phát triển các kỹ năng vận động
Chơi theo trí tưởng tượng và sáng tạo là cách trẻ học về thế giới. Trong quá trình chơi tưởng tượng, trẻ em vận dụng các vật liệu; thể hiện bản thân bằng ngôn ngữ và cả phi ngôn ngữ; lập kế hoạch; hành động, tương tác; phản ứng và thử các vai trò khác nhau. Điều này góp phần gia tăng sự linh hoạt, khả năng phối hợp tay, mắt, cơ bắp và trí nhớ của trẻ.
Xây dựng kỹ năng giao tiếp
Chơi theo trí tưởng tượng và sáng tạo cho phép trẻ tái hiện lại những cảnh trong phim, sách hay thậm chí là tương tác với các bạn đồng lứa. Những sự trải nghiệm về mặt ngôn ngữ hay trò chuyện với bạn bè này đã tác động rất lớn đến việc hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp ở trẻ. Nó rèn luyện cho trẻ thói quen học hỏi, lắng nghe, thích nghi và bồi đắp trí tưởng tượng.
Phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề
Những cơ hội học tập tuyệt vời có thể đến ngay trong lúc trẻ nhào nặn khối bột theo cách riêng của mình, tô màu con bò với sắc hồng, trộn đất và nước để trở thành một “món ăn”, hoặc giả vờ đi trên lề đường một cách khéo léo như thể sợ rơi xuống “biển”… Tưởng tượng, thử những cách làm mới và thử nghiệm giúp phát triển tư duy phản biện ở trẻ em và thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Những cách khuyến khích sự sáng tạo và trí tưởng tượng ở trẻ
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều đã có trí tưởng tượng và là những nhà sáng tạo bẩm sinh. Nhiệm vụ nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho sự sáng tạo ấy sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Bố mẹ có thể tham khảo các cách dưới đây để khuyến khích sự sáng tạo và trí tưởng tượng trong trẻ.
Thử trò chơi đóng vai và sáng tạo câu chuyện
Khi bạn bày trò đóng vai, bạn sẽ bất ngờ khi con có thể phát minh ra một kịch bản hấp dẫn với nhiều vai trò và tình tiết khác nhau. Với hoạt động này, trẻ sẽ biết cách sắp xếp suy nghĩ của mình, phân vai trò cho bản thân và mọi người xung quanh, đồng thời phát triển các kỹ năng xã hội và lời nói. Nếu con bạn thích siêu nhân, hãy để con tự do dẫn dắt chúng ta phiêu lưu trên những vùng đất lạ, kể về những sức mạnh hay năng lực con có thể nghĩ ra. Rất có thể con bạn chính là người tạo ra một siêu anh hùng mới đó!
Chọn những đồ chơi đơn giản, không giới hạn
Nếu con bạn có xu hướng chóng chán với đồ chơi thì những vật liệu chơi mở, đồ chơi đơn giản sẽ là giải pháp hợp lý cho các bố mẹ. Những khối xếp hình, thú đồ chơi, khối gỗ trơn, bảng trắng, que củi, giấy màu, bột nặn và đồ tái chế đều mang đến khả năng chơi vô tận cho trẻ. Đây không chỉ là những vật liệu mở vừa dễ kiếm, vừa kinh tế mà còn là những vật phẩm tuyệt vời cho các dự án thủ công, giúp trẻ thỏa sức sáng tạo.
Lắng nghe ý kiến của con bạn
Trẻ em luôn có sự hứng thú với các câu hỏi, đó là cách con khám phá thế giới. Bố mẹ hãy đặt những câu hỏi khơi gợi trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo, để “mời” con bày tỏ ý tưởng của mình. Tuy nhiên, bố mẹ hãy thể hiện cho trẻ thấy rằng dù suy nghĩ, ý tưởng của con là gì, bố mẹ đều trân trọng và công nhận nó. “Con mèo và con chó khác nhau ở điểm nào?”, “Con sẽ làm gì nếu bất ngờ ông Bụt hiện ra?”…
Những năm đầu đời là giai đoạn vàng để nuôi dưỡng sự sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ. Công việc của bố mẹ có thể tạm gác lại, nhưng sự sáng tạo của trẻ thì không. Bởi óc sáng tạo và trí tưởng tượng của con trẻ có thể thay đổi cả một thế giới. Do đó, hãy dành thời gian đồng hành, khuyến khích, tạo điều kiện cho con phát triển, bố mẹ nhé!
Bài viết được phỏng dịch và biên tập bởi © Đen Wood.
Mọi chia sẻ hoặc trích dẫn mời bạn đọc vui lòng
ghi rõ nguồn dẫn từ Website Đen Wood.vn. Xin cám ơn !